Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết trung thu, đây không chỉ là thời điểm để chúng ta sum vầy bên gia đình và người thân mà còn là dịp để thưởng thức những món ăn truyền thống thấm đượm hương vị quê hương. Trong số đó, xôi gấc đậu xanh là một món ăn không thể thiếu bởi hương vị thơm ngon và mang ý nghĩa cho sự may mắn và sum vầy. Trong bài viết này, hãy cùng Nhựa Việt Nhật vào bếp học cách nấu xôi gấc đậu xanh dẻo thơm, đẹp mắt để cúng rằm Trung thu ngay nhé!
Nguyên liệu nấu xôi gấc đậu xanh
Trước khi bắt tay vào nấu xôi gấc đậu xanh, bạn cần chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu sau:
- Gạo nếp: 500g
- Gấc chín: 200g
- Đậu xanh cà vỏ: 150g
- Nước cốt dừa: 100ml
- Đường: 100g
- Rượu trắng: 1 thìa cà phê
- Muối: 1 thìa cà phê
- Dầu ăn: 3 thìa cà phê
Cách nấu xôi gấc đậu xanh ngon, dẻo, đẹp
Bước 1: Sơ chế các nguyên liệu
Đầu tiên, để nấu xôi gấc đậu xanh, bạn cần ngâm gạo nếp trong nước khoảng 6 đến 8 tiếng hoặc qua đêm để gạo nở đều. Sau khi ngâm, vo sạch gạo 2 đến 3 lần với nước, để thật ráo, rồi trộn đều với một chút muối.
Đậu xanh cũng cần được ngâm trong nước khoảng 3 đến 4 tiếng để mềm, sau đó rửa sạch và để ráo nước.
Với gấc, bạn bổ đôi quả, nạo lấy phần thịt đỏ, bỏ hạt. Sau đó, trộn thịt gấc với 1 thìa cà phê rượu, 1 thìa cà phê dầu ăn, và ¼ thìa cà phê muối để tăng hương vị và giúp xôi có màu sắc đẹp hơn.
Bước 2: Đồ xôi
Trong công đoạn này, bạn hãy trộn đều phần thịt gấc với gạo nếp và để gạo nghỉ khoảng 5 – 10 phút để màu gấc thấm đều vào gạo. Sau đó, cho nước vào nồi đầy khoảng ⅓ và đun sôi. Đặt xửng hấp lên trên nồi, rồi rải hỗn hợp gạo và gấc đều lên xửng. Dùng đũa tạo 3 – 5 lỗ nhỏ trên mặt gạo để hơi nước lan tỏa đều hơn.
Đậy nắp xửng lại và hấp xôi trong khoảng 30 phút. Nên hấp xôi ở lửa lớn để hạt xôi được tơi và thỉnh thoảng mở nắp để xới xôi cho chín đều hơn, bạn nhé! Khi xôi đã chín mềm, rưới từ từ 100ml nước cốt dừa và 1 thìa cà phê dầu ăn vào xôi, rồi xới đều lên. Đậy nắp xửng và tiếp tục hấp thêm khoảng 10 phút nữa.
Sau đó, thêm 70g đường vào xôi để tạo vị ngọt, xới đều xôi một lần nữa và hấp thêm khoảng 10 phút nữa để đường tan và thấm đều là có thể tắt bếp.
Bước 3: Hấp đậu xanh
Luộc 150g đậu xanh đã cà vỏ với ⅓ thìa cà phê muối. Khi nước sôi, bạn vớt nồi ra và gạn bỏ phần nước dư, chỉ để lại khoảng 70ml nước.
Tiếp tục đặt nồi đậu xanh lên bếp và đun nhỏ lửa trong khoảng 20 phút cho đến khi đậu chín mềm. Sau đó, cho 30g đường trắng vào nồi và khuấy đều bằng thìa. Sên đậu xanh liên tục cho đến khi đậu quánh lại, rồi tắt bếp và để nguội.
Bước 4: Ép xôi vào khuôn
Sau khi xôi và đậu xanh đã được hấp chín, bạn tiến hành ép xôi vào khuôn. Để tạo hình đẹp mắt, bạn có thể sử dụng bộ khuôn xôi Phúc Lộc Thọ của Việt Nhật. Bộ khuôn này bao gồm 1 vỏ khuôn, 3 nắp chữ “Phúc, Lộc, Thọ”, và 1 dụng cụ nén xôi. Cách làm như sau:
- Đầu tiên, bạn cần quét một lớp dầu ăn khắp bề mặt khuôn chữ để tạo hình không bị dính vào khuôn.
- Bước hai, đổ đỗ xanh đã sên vào tạo hình chữ mà bạn mong muốn.
- Tiếp đó bạn cho xôi gấc đã đồ vào nén chặt. Cuối cùng tháo khuôn ra.
Vậy là bạn đã hoàn thành đĩa xôi gấc đẹp mắt với hạt nếp căng bóng, dẻo mềm kết hợp cùng đậu xanh bùi bùi và nước cốt dừa béo ngậy. Món xôi này chắc chắn sẽ làm cho Tết đoàn viên của gia đình trở nên đặc biệt và ý nghĩa hơn!
Sử dụng khuôn xôi Phúc Lộc Thọ giúp đĩa xôi thêm bắt mắt và ý nghĩa
Mẹo nấu xôi gấc dẻo thơm, ngon mềm như ngoài hàng
Lưu ý khi nấu xôi
Để thành phẩm xôi gấc đậu xanh thêm phần dẻo thơm, hấp dẫn thì trong quá trình nấu, bạn cần nắm rõ một số lưu ý sau:
- Ngâm gạo và đậu xanh trước khi nấu để đậu xanh chín nhanh và xôi mềm dẻo hơn. Ngâm gạo trong 6 - 8 tiếng và thêm 1 - 2 muỗng cà phê muối vào nước ngâm để khử mùi và tạo hương vị đậm đà khi xôi chín.
- Sử dụng các loại gạo nếp tốt như nếp nương hoặc nếp cái hoa vàng. Hạt gạo phải to đều, không bị nứt, không có dấu hiệu của mối mọt và có màu trắng đặc trưng.
- Chọn quả gấc có thân tròn đẹp, vỏ ngoài màu cam đậm, gai nở đều và chắc tay. Tránh quả bị dập hoặc nứt.
- Đậu xanh cần được đãi sạch vỏ. Nếu có thời gian, hãy mua đậu xanh có vỏ về và tự đãi để đảm bảo an toàn.
- Bạn nên duy trì nhiệt độ ở mức trung bình khi nấu xôi. Nhiệt độ quá cao có thể làm xôi bị cháy, hoặc nếu nhiệt độ quá thấp sẽ khiến xôi dễ bị nhão.
- Ngoài ra, lượng nước dưới nồi hấp chỉ nên chiếm khoảng 1/3 dung tích của nồi. Nếu để quá nhiều nước, khi sôi sẽ khiến nước bốc hơi mạnh và làm xôi bị nhão ở phía dưới.
Cách khắc phục xôi gấc bị khô
Nếu xôi gấc bị khô, bạn có thể làm như sau: Vẩy thêm 10 - 20ml nước lên mặt xôi, sau đó phủ một chiếc khăn sạch đã nhúng nước lên bề mặt xôi. Đậy nắp kín và tiếp tục hấp. Sau khoảng 10 phút, mở nắp, lau hơi nước trên nắp nồi và đảo đều gạo nếp để xôi chín đều và giữ được độ mềm dẻo.
Xôi gấc đậu xanh không chỉ là món ăn thơm ngon mà còn mang những giá trị tinh thần sâu sắc, biểu trưng cho sự may mắn, đoàn viên và thịnh vượng trong dịp lễ Tết. Tự tay nấu xôi gấc đậu xanh cho mâm cỗ Trung Thu không chỉ giúp gia đình thêm phần gắn kết mà còn là cách để chúng ta giữ gìn và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống. Hy vọng với những hướng dẫn ở trên, bạn sẽ có thêm một món ăn ngon, đẹp mắt để cúng rằm Trung Thu, tạo nên không khí ấm cúng và ý nghĩa cho ngày lễ đặc biệt này!