“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba.”
Giỗ Tổ Hùng Vương hay còn gọi là Lễ hội Đền Hùng, một trong những ngày lễ truyền thống quan trọng của Việt Nam. Đây là ngày lễ nhằm tưởng nhớ công lao dựng nước của các Vua Hùng – những vị vua đầu tiên của dân tộc. Đồng thời, cũng là dịp lan tỏa tinh thần đoàn kết, "uống nước nhớ nguồn" đáng quý của người Việt. Vậy bạn đã hiểu rõ về nguồn gốc, ý nghĩa lịch sử cũng như những nghi lễ, lễ vật đặc trưng trong ngày Giỗ Tổ chưa? Hãy cùng Nhựa Việt Nhật tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Ý nghĩa thờ cúng Giỗ Tổ Hùng Vương
Từ thuở sơ khai, Giỗ Tổ Hùng Vương luôn là một ngày lễ đặc biệt, thiêng liêng trong tâm thức người Việt. Đây là dịp để toàn dân cùng hướng lòng tưởng nhớ các vị Vua Hùng – những người đã có công dựng nước trong buổi đầu của lịch sử dân tộc.
Từ thời Hậu Lê trở về trước, việc quản lý Đền Hùng được giao cho người dân địa phương. Họ được miễn thuế, miễn sưu và không phải đi lính để thay vào đó trông coi, cúng bái, sửa chữa và làm giỗ vào ngày 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm. Mãi đến triều Nguyễn, vua Khải Định mới chính thức chọn ngày mùng 10 tháng 3 Âm lịch là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương chính thức trên cả nước.
Không chỉ là bản sắc văn hóa được gìn giữ lâu đời, Giỗ Tổ Hùng Vương còn là dịp để mọi người cùng nhau nhìn lại những năm tháng lịch sử vàng son của dân tộc, nhắc nhở về sự hy sinh, lòng quả cảm của thế hệ ông cha trong việc xây dựng, gìn giữ và bảo vệ non sông gấm vóc. Từ đó, tiếp thêm sức mạnh tinh thần, hun đúc lòng yêu nước và bồi đắp niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Đặc biệt, lễ giỗ tổ Hùng Vương cũng là một dịp để người dân Việt Nam có thể quảng bá những nét đẹp văn hóa dân tộc đến toàn thế giới cũng như phổ biến cho những thế hệ sau tiếp tục ghi nhớ và duy trì những truyền thống tốt đẹp này.

Lễ giỗ tổ Hùng Vương thường được tổ chức ở đâu?
Hằng năm, vào ngày 10 tháng 3 Âm lịch, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương – còn được gọi là Quốc Giỗ – long trọng được tổ chức tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đây là nơi linh thiêng gắn liền với truyền thuyết về các Vua Hùng – những người đặt nền móng đầu tiên cho quốc gia Văn Lang, mở đầu cho dòng chảy lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Vào ngày này, hàng triệu người dân từ khắp mọi miền đất nước lại hành hương về Đền Hùng, thành kính dâng hương tưởng niệm, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với công lao dựng nước của các vị Vua Hùng. Không chỉ là một nghi lễ tôn nghiêm, Giỗ Tổ Hùng Vương còn là dịp để tổ chức nhiều hoạt động lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như rước kiệu, dâng lễ vật, biểu diễn nghệ thuật truyền thống,…
Ngày 6/12/2012, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân Phú Thọ, mà còn là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, truyền thống uống nước nhớ nguồn tốt đẹp của người dân đất Việt.
Nghi lễ của ngày giỗ tổ Hùng Vương
Trong ngày chính hội Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng 3 Âm lịch), hai nghi lễ trọng đại được cử hành long trọng tại Khu di tích Đền Hùng:
Lễ rước kiệu Vua
Nghi thức này diễn ra từ dưới chân núi Nghĩa Lĩnh lên qua các đền, kết thúc tại Đền Thượng. Đoàn rước bao gồm đội múa sư tử, đoàn rước cờ hội và quốc kỳ, cùng các hàng quan viên trong trang phục cổ truyền và đông đảo nhân dân địa phương,..
Lễ dâng hương
Đây là nghi thức dành cho tất cả người dân và du khách thập phương khi hành hương về Đền Hùng. Mọi người hành hương đến đây chủ yếu vì nhu cầu đời sống tâm linh. Mỗi nén hương được thắp lên trên Đất Tổ đều gửi gắm mong ước được phù hộ độ trì, ban phúc lành và bình an cho bản thân, gia đình,...
Bên cạnh phần lễ là phần hội, diễn ra sôi nổi với các trò chơi dân gian, những cuộc thi đấu hấp dẫn như là cuộc thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh dày, thi kéo co, thi hát xoan,…

Lễ vật cần có trong mâm cúng Giỗ Tổ Hùng Vương
Lễ Giỗ tổ Hùng Vương là ngày lễ lớn được đông đảo người dân Việt quan tâm đặc biệt chỉ sau ngày Tết Nguyên Đán. Những hoạt động không chỉ tổ chức ở Phú Thọ mà còn trên khắp cả nước. Ngoài ra, không chỉ dâng lễ tạ Đền Hùng, nhiều gia đình cũng chuẩn bị mâm lễ cúng tại nhà để tỏ lòng thành kính.
Lễ vật dâng cúng tại Đền Hùng
Theo hướng dẫn trong Công văn số 796/HD-BVHTTDL do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành ngày 18/03/2009, mâm lễ dâng cúng các Vua Hùng bao gồm:
- 18 chiếc bánh chưng
- 18 chiếc bánh dày
- 1 ly nước sạch
- Hương, hoa tươi, trầu cau, rượu nếp, và mâm ngũ quả
Những lễ vật dâng cúng trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hàm chứa nhiều ý nghĩa biểu tượng sâu sắc. Hình tròn của bánh dày mang ý nghĩa cho trời, hình vuông của bánh chưng tượng trưng cho đất. Và con số 18 chính là tượng trưng cho 18 vị Vua Hùng.
Ngoài các lễ vật chính thức trên, tùy vào điều kiện và tập tục địa phương, mâm cỗ cúng có thể được bổ sung thêm các món mặn như: thịt bò, thịt dê, gà luộc (gà trống thiến),…

Lễ cúng tại gia đình
Tùy theo điều kiện kinh tế và phong tục từng vùng, các gia đình có thể chuẩn bị mâm cúng đơn giản hoặc cầu kỳ. Tuy nhiên, vẫn cần đảm bảo một số lễ vật cơ bản sau:
- Bánh chưng, bánh dày
- Hương, hoa, nước, trầu cau, mâm ngũ quả
- Mâm cỗ chay hoặc mặn

Dù tổ chức ở đền thờ hay tại gia, Giỗ Tổ Hùng Vương vẫn luôn là dịp để mỗi người dân Việt Nam hướng về cội nguồn dân tộc với tất cả lòng biết ơn, tự hào và kính trọng.
Kết Luận
Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ là một ngày lễ thiêng liêng nhằm tưởng nhớ công ơn các Vua Hùng mà còn là dịp để người dân Việt Nam thể hiện và bảo vệ những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc. Mặc dù đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử, với nhiều biến động thăng trầm nhưng truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của người Việt không bao giờ thay đổi. Như Bác Hồ đã từng căn dặn: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước".